Kính thưa Bác sỹ,
Con tôi sinh năm 2002, cách đây khoảng 1 năm trở lại, thường xuyên nghe cháu kêu nhức chân. Tôi cho cháu đi xét nghiệm thì bác sỹ Nhi đồng 2 bảo cháu mắc chứng bệnh "viêm khớp mạn thiếu niên", chỉ cho uống Calci D và TrivitaB và yêu cầu xét nghiệm máu VS hàng tháng để theo dõi. Vậy, bác sỹ cho tôi hỏi:
- Bệnh này như thế nào? Có nguy hiểm không? Cháu mắc bệnh ở mức độ nào?
- Phác đồ điều trị như thế nào? Chữa có dứt bệnh không?
- Có ảnh hưởng gì đến phát triển tương lai sau này của cháu không?
- Việc học tập của cháu có bị ảnh hưởng không?
- Chế độ ăn uống như thế nào là hợp lý?
- Chế độ tập luyện thể thao ra sao? Cháu có học môn thể dục nhịp điệu được không?
Xét nghiệm tỷ lệ VS của cháu như sau:
- Ngày 16/6/2008: 1h: 40.00 mm 2h: 67.00 mm
- Ngày 17/7/2008: 1h: 31.00 mm 2h: 44.00 mm
Mong bác sỹ hồi âm sớm để bố mẹ cháu yên tâm chữa bệnh cho cháu.
Chân thành cảm ơn và trân trọng kính chào.
Bạn đọc,
Trần Thị C** L**
trả lời:
Trước hết xin trả lời chị về bệnh viêm khớp mạn thanh thiếu niên. Đây là bệnh có tên tiếng Anh là Juvenile rheumatoid arthritis, là bệnh lý thấp (rheumatic disease) bắt đầu ở tuổi 16 hay trước tuổi 16. Đây là loại bệnh hiếm, nguyên nhân chưa rõ, người ta nghĩ có yếu tố gen tham gia và sinh bệnh học tự miễn. Viêm khớp mạn thanh thiếu niên có thể tương tự như viêm khớp dạng thấp ở người lớn.
Triệu chứng:
Bệnh nhân có thể có cứng khớp, sưng, tràn dịch khớp, đau, bệnh có thể cản trở sự phát triển của trẻ. Bệnh có thể biểu hiện triệu chứng ở mắt. Có thể có 3 dạng bệnh.
Dạng khởi phát hệ thống ( hay còn gọi bệnh Still). Xảy ra khoảng 20% bệnh nhân. Bệnh nhân có sốt cao, phát ban, lách to, hạch to toàn thể, viêm thanh mạc với viêm màng ngoài tim, viêm màng phổi. Các triệu chứng này có thể đi trước triệu chứng sưng khớp. Sốt cao nhất thường vào buổi chiều hay tối, sốt mỗi ngày và có thể kéo dài đến hai tuần.
Dạng đau ít khớp. Thường liên quan đến ít hơn 4 khớp. Xảy ra khoảng 40% bệnh nhân, thường là trẻ em nữ. Biểu hiện ở mắt thường hay thấy ở dạng này. Nếu xảy ra ở trẻ em nam lớn tuổi thường liên quan đến gen HLA-B27 và hầu hết các em này sẽ phát triển bệnh lý cột sống khớp.
Dạng đau nhiều khớp. Xảy ra khoảng 40% còn lại, bệnh tương tự như viêm đa khớp dạng thấp ở người lớn. thường bệnh xảy ra trên khớp đối xứng.
Chẩn đoán: bệnh nên được nghi ngờ khi trẻ em có viêm khớp kèm biểu hiện trên mắt, lách to hay bệnh lý hạch toàn thân, sốt phát ban kéo dài vài ngày. Khi nghi ngờ nên làm thêm các xét nghiệm về yếu tố thấp RF, kháng thể kháng nhân ANA, VS.
Tiên lượng và điều trị. Bệnh khỏi hoàn toàn trong 50-70% các trường hợp. Bệnh nhi có dạng viêm nhiều khớp và có RF dương tính sẽ có tiên lượng kém hơn. Điều trị bao gồm thuốc kháng viêm không có corticoid, thuốc kháng thấp, corticoid. Các biện pháp vật lý trị liệu nhằm ngăn ngừa tình trạng biến dạng khớp và giảm đau nên được áp dụng.
trở lại trường hợp con chị. Chúng tôi không biết con chị đau khớp nhưng có sưng, tràn dịch khớp hay không, có biểu hiện gì ở những nơi khác như mắt, hạch, lách… hay không. nếu nghi ngờ bệnh này nên làm thêm RF và ANA. VS của con chị cao nhưng sau một tháng thấy có giảm, có thê cháu có biểu hiện viem nhiễm nào khác. Do vậy nên theo dõi thêm bệnh trạng của cháu vì cũng không có thể chắc chắn đó là viêm khớp mạn tính thanh thiếu niên. Đôi khi trẻ con than đau nhức các khớp nhưng không có biểu hiện sưng, đau thật sự và sẽ tự khỏi.