Bác sĩ cho em hỏi bàn chân chân em có bị xơ chai bằng đầu đũa em ban đầu đi lại cũng hơi đau, đi khám thì bác sĩ bảo em bị xơ chai bàn chân và cho đi tiểu phẫu, mà khi lành chỗ tiểu phẫu xơ chai đó không hết nó vẫn bị như cũ ,nhưng lại xuất hiện thêm cỡ bằng que tăm, giờ khi đi lại em cảm hấy hơi đau (nhất là khi chân em tiếp xúc với nước thì chỗ xơ chai đó em đi lại hấy hơi đau), bác sĩ cho em biết bệnh này có trị dứt điểm được ko ạ, trong khi chân em lại xuất hiện thêm vài chỗ xơ chai bằng đầu que tăm, tại sao em đã đi tiểu phẫu rồi mà nó không hế mà xuất hiện thêm. Em xin chân thành cảm ơn
Trả lời:
Theo như bạn mô tả thì bạn bị chai chân và đau vùng khớp bàn ngón chân. Chai chân là tình trạng dày sừng vùng gan bàn chân. Nguyên nhân là do khi bước đi một số vùng bàn chân bị áp lực đè lên quá cao ( nhất là vùng da nằm dưới chỏm xương bàn chân ). Chai chân có thể là vùng dày sừng to hoặc chỉ là một vùng rất nhỏ giống như một hạt. Bệnh nhân thường hay cảm giác đau nguyên nhân có thể là do cục chai chân hoặc có thể do kết hợp với việc tăng áp lực lên chỏm xương bàn chân gây ra căng bao khớp bàn ngón chân, viêm gân gấpngón chân.
Việc mổ lấy đi cục chai chân nhưng không loại trừ áp lực đè lên vùng chai chân sẽ làm nhanh chóng xuất hiện trở lại cục chai chân. Vùng dày sừng sẽ ngày càng phát triển thêm. Do đó việc điều trị sẽ bao gồm tìm nguyên nhân làm tăng áp lực để từ đó làm giảm bớt áp lực lên vùng này. Một số thuốc dùng bôi tại chỗ để làm mềm da để có thể gọt bớt vùng da này hoặc có thể dùng dao gọt bớt cục chai nhưng cần phải làm trong điều kiện vô trùng và do bác sĩ thực hiện. nếu gọt quá nhiều sẽ làm chảy máu và nhiễm trùng.
Việc làm giảm bớt áp lực đè lên vùng chai chân là rất quan trọng để ngăn ngừa tái phát. Một số dụng cụ lót trong giày, lót cho vùng chai chân được dùng để làm phân tán bớt lực đè lên gan chân, đè lên chỏm xương bàn chân. Nếu chỉ trông chờ vào việc tiểu phẫu lấy đi cục chai chân sẽ là thất bại vì nguyên nhân vẫn chưa được loại trừ.